Thuận êm theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến KM 198 rẽ vào nút giao IC 16, hoặc theo các chuyến tàu tốc hành Hà Nội – Lào Cai điểm dừng chân là ga Bảo Hà, còn muốn tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức ngắm nhìn những vùng đất ven sông, du khách cũng có thể chọn phương tiện đường thủy để đến với xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai
DU LỊCH MIỀN TÂM LINH
Thuận êm theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến KM 198 rẽ vào nút giao IC 16, hoặc theo các chuyến tàu tốc hành Hà Nội – Lào Cai điểm dừng chân là ga Bảo Hà, còn muốn tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức ngắm nhìn những vùng đất ven sông, du khách cũng có thể chọn phương tiện đường thủy để đến với xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Mùa thu ở vùng quê này, thiên nhiên dường như hòa vào làm một xanh dịu đến nao lòng. Leo những bậc đá rêu phong lên ngôi chùa trên đỉnh đồi Cấm, phóng tầm mắt nhìn ra xa là điệp trùng rừng núi, trải dài như cánh chim dang rộng ôm lấy vùng danh thắng kỳ thú được bàn tay cần mẫn của người dân thuần phác nơi đây tạo cho vùng quê thảm thực vật với bao hoa trái ngọt lành. Tựa lưng vững chãi dưới chân đồi, là ngôi đền thờ danh tướng Hoàng Bẩy trong khuôn viên rợp bóng hoa Ngọc lan, thoang thoảng hương thơm, đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1997.
Sử sách ghi lại: vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786 Tướng Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách trấn giữ vùng biên ải phía Bắc dẹp giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Trong một trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù nơi đầu sông, ông bị tử trận, thi thể ông trôi dạt về Bảo Hà, dân làng vớt lên an táng lập đền thờ ghi ơn công đức và được vua Minh Mạng (Thiệu Trị) thuộc triều Nguyễn phong tước hiệu “Trấn an Hiển liệt”. Ngôi đền được thiết kế mang đậm nét văn hóa truyền thống với kiến trúc độc đáo trang trí hình rồng, phượng cùng những hoa văn tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII từ cổng tam quan nội, ngoại đến tòa Đại bái, tiếp đến cung công đồng, cung cấm, phủ chúa sơn trang, lầu cô, lầu cậu, am hóa vàng làm từ đá và gỗ nhóm quý. Cung thờ chính của tướng Hoàng Bẩy trong sắc phục xanh màu rừng núi ngự trong khám kính được chạm khắc tinh xảo với đường nét hoa văn dát vàng khảm bạc. Thể hiện vị tướng là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng vẫn gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Ông Phạm Văn Chiến thủ nhang, phó ban quản lý đền Bảo Hà cho biết: “ Coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đền, chúng tôi đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa với phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm, nhiều năm qua đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo ngôi đền. Cụ thể trước mùa lễ hội năm nay Ban quản lý đền đã kêu gọi phát tâm công đức xây dựng tòa đại bái kiến trúc gỗ lim, dạng 3 gian 2 chái, mái cong cổ kính uy nghi có diện tích 197 m2 trị giá hơn 6,8 tỷ đồng” .
Lễ hội đền Ông hay còn gọi là lễ hội đền Bảo Hà thuộc Di sản văn hóa văn hóa phi vật thể Quốc gia hằng năm tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch- ngày mất của tướng Hoàng Bảy sau tết “xá tội vong nhân”, du khách từ khắp mọi miền đất nước lại nô nức về đây trẩy hội. Hàm ý con cháu hội tụ nhân ngày giỗ cha thể hiện lòng biết ơn, trân trọng của các thế hệ người dân Việt đối với bậc tiền nhân. Mở đầu là lễ “nhập tịch” diễn ra vào giờ Tý tại cung Công đồng của ngôi đền, bởi theo quan niệm giờ tý là giờ “âm dương lão khởi” tức là mọi điều tốt lành bắt đầu nảy sinh. Một vị hoà thượng cầm cốc nước, tay hua nén nhang trong nghi thức cúng lễ bao hàm ý nghĩa nước là ngọn nguồn của sự sống đem lại nhiều điều may mắn, cầu cho sức khoẻ, thịnh vượng cùng mọi điều tốt lành cho muôn dân. Nghi lễ thể hiện sự cung kính, gột rửa những điều còn tồn tại để tâm thân an lạc thể hiện khát vọng về cuộc sống được sung túc, an lành. Sáng sớm phần khai hội là lễ rước kiệu với ý tưởng tái hiện hình ảnh hội binh của tướng Hoàng Bảy. Đi đầu là đội múa lân, cờ ngũ sắc, phường bát âm. Tiếp theo là long đình, bát bửu, chấp kích, sau là các kiệu của các thôn bản gồm kiệu thánh, kiệu mẫu, kiệu tướng Hoàng Bảy, đội tế nam, đội tế nữ cùng các đoàn khách. Trong tiếng chiêng, tiếng trống rền vang, đoàn rước lộng lẫy cờ hoa chuyển động trong sân lễ hội tiếp đến nghi lễ dâng hương, đọc chúc văn. tế yên vị trong không gian thiêng của ngôi đền.
Song song với những hoạt động tín ngưỡng trong phần lễ, phần hội diễn ra khá phong phú với nhiều trò chơi dân gian bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đặc biệt là màn trình diễn các giá hát văn hầu đồng với những làn điệu, dọc, cờn, nhịp 1, chèo đò…hòa quyện với tiếng đàn nguyệt, nhị, bầu, thập lục, sáo, khèn, bộ gõ trầm bổng, dập dìu, khoan nhặt làm mê đắm lòng người. Nhiều gian hàng nhằm giới thiệu quảng bá về hình ảnh, con người, sản phẩm nông sản, trang phục thổ cẩm, ẩm thực, tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Yên. Những năm gần đây, đền Bảo Hà là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh nhớ về nguồn cội. Mỗi nẳm cả triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến vãn cảnh đền và nguyện cầu cho quốc thái, dân an, cầu tài, cầu lộc.
Đến với danh thắng đền Bảo Hà, sau khi thả hồn vào cõi tâm linh, du khách sẽ có cơ hội được hít thở bầu không khí trong lành lúc dạo thăm vùng quả đặc sản để thưởng thức vị ngọt giòn riêng có của trái hồng không hạt, các món ăn truyền thống của địa phương được chế biến từ cá sông Hồng, bánh gai, bánh nẳng cùng nhiều loại rau rừng thanh khiết. Rồi cũng từ nơi đây khách dễ dàng đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện để chiêm ngưỡng cảnh quan từ các khu di tích lịch sử văn hóa Đồn Phố Ràng, thành cổ Nghị Lang, đền Phúc Khánh mang phong cách kiến trúc thời Trần – Lê toát lên vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm cho hậu thế ghi tạc công đức của các bậc tiền nhân. Thắp nén tâm nhang giữa tiếng chuông ngân trong chiều buông với vẻ uy nghiêm, linh thiêng của chốn tâm linh, du khách bỗng thấy lòng thanh thản để càng thấu hiểu hơn cuộc sống, yêu hơn quê hương đất nước. Nét đặc sắc của hoạt động văn hóa tín ngưỡng từ một vùng không gian di tích cùng cảnh quan tươi đẹp, chính là yếu tố tạo nên sức cuốn hút của khu danh thắng đền Bảo Hà./.
QUANG CHÍNH
(Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai. ĐT 0988500683)
Một số hình ảnh đền Bảo Hà và du lịch về miền tâm linh Bảo Hà: